Thơ BIỂN

Publié le par phusi

 

Những Vần Thơ BIỂN của  TÔN THẤT PHÚ SĨ
Nhân Ngày Tưỏng Niệm Nhà Thơ HỮU PHƯƠNG ,
cố Phó Đề-Đốc NGUYỄN HỮU CHÍ
   

chi.jpg 

Phó đề đốc Nguyễn Hữu Chí  - 1975 

 

      Nhà Thơ HỮU PHƯƠNG không còn nữa, cố Phó Đề-Đốc NGUYỄN HỮU CHÍ đã mất sáng ngày 28 tháng 6 năm 1988 tại Hoa Kỳ !
Hình ảnh của một thi-sĩ Hải quân với những vần thơ giàu lòng nhân ái, nặng tình biển cả, tha thiết với quê hương nay đã quá vãng nhưng luôn để lại trong lòng người yêu thơ cảm tình nhân hậu, nhơn cách cao quý của Người đă khuất.  Và  đối với những người đã có thời cùng khoát chung màu áo, cố Phó Đề-Đốc đã ra đi vĩnh viễn, song hình ảnh của Người đã cùng tham gia trận mạc khắp vùng sông nước, hay hành quân hải kich dũng cảm, tận hậu tuyến của đối phương đầy hiểm nguy, mà chiến thắng không được ghi danh, sẽ không bao giờ phai lạt trong ký ức kính phục thương tiếc của biết bao chiến sĩ Hải quân !
 

    Mấy hôm trước, xuất hiện trên trang Blog của nhà thơ Hải quân Tôn Thất Phú Sĩ : " "Theo gót Nhà Thơ Hữu Phương ‘cựu Phó Đề-Đốc Nguyễn Hữu Chí ‘ Niên Đệ Tôn Thất Phú Sĩ xin gởi những vần thơ về BIỂN để tuởng niệm Người" . Tuy lời văn ngắn ngủi nhưng bao hàm biết bao tình cảm quý trọng, nhắc nhở cho những người đã có thời phục vụ trên chiến hạm, chiến đỉnh hay ở hải đảo xa xôi, hình ảnh của vị chỉ huy đã vĩnh biệt , song còn lưu lại bao kỷ niệm trong đời quân ngủ đối với cả quân chủng. Trên trang Blog, những bài Thơ Biển của Tôn Thất Phú Sĩ đã sáng tác bao năm tháng qua, được góp lại để tưởng nhớ thi nhân, bậc Đàn Anh đã quá vãng ở hải ngoại 23 năm trước !
 

    Khi đọc dòng chữ tưởng niệm này, người viết không khỏi nhớ lại kỷ niệm cũ, năm 1965, phục vụ dưới quyền của vị chỉ huy nay đã quá vãng, trong một đại đơn vị Hải quân ở Đà Nẵng. Phong cách đức độ của vị chỉ huy thể hiện qua sinh hoạt hằng ngày, gần gủi thuôc cấp, ân cần với các cấp Sĩ quan. Thời ấy, tác phẩm "Luống Biển" của nhà thơ Hữu Phương đã được xuất bản ; người viết rất hân hạnh được tác giả đề tặng tập thơ, hơn bốn mươi lăm năm qua.
 

      Trong ký-ức hồi nhớ qúa-khứ , phục vụ quân chủng Hải quân, thời gian tại Đà Nẵng, người viết đựợc tháp tùng vị chỉ huy trưởng theo đoàn khinh-tốc-đỉnh dưới màn đêm bao phủ, rẻ sóng tiến ra Biển Bắc.  Hay những năm trên chiến hạm, trên bờ ở Hải xưởng Sài Gòn, Thuỷ xưởng miền Tây, sửa chữa kỹ thuật cho các giang đoàn,  hoặc cùng đoàn chiến đỉnh hành quân, trục vớt tàu chìm : đồng Tháp Mười, sông rạch đồng bằng Sông Cửu Long. Người quân nhân áo trắng, cuộc sống thường nhật với trời biển bao la, những chuyến công tác tuần dương, tiếp tế,  hải hành dài ngày, tới tận hải đảo xa xôi hay miền cát trắng, thường mang theo nổi mong nhớ người thân ở bến nhà, những ước mơ về tình yêu, ấp ủ mối tình thoáng mộng, hay thả hồn theo mộng tưởng đã hun-đúc thành nhiều nhạc sĩ, hoạ sĩ , thi sĩ tài hoa, nhà văn nổi tiếng. Họ đã sáng tác nhiều tác phẩm văn chương nghệ thuật từ thơ, văn, nhạc  thơ mộng,  trữ tình cho đến các bức hoạ nhuốm màu sắc của trời xanh, hoa biển trắng, cát vàng, rực hồng ánh bình minh… 
 
    Trong số những thi-văn-nhân, nhạc sĩ, hoạ sĩ nổi danh ấy có nhà thơ TÔN THẤT PHÚ SĨ, một Sĩ quan Hải quân.  Sinh trưởng ở Đà Nẵng nơi có dòng Sông Hàn, bán đảo Sơn Trà, Ngủ Hành Sơn với biển rộng bao quanh, phong cảnh hữu tình, nên đã ôm ấp nếp sống với giấc mộng viễn du ; và theo dấu chân của vị đàn anh nhà thơ HỮU PHƯƠNG, đã cảm tác nhiều vần thơ kỷ niệm về tuổi học trò, về tình yêu, quê hương , đặc biệt những bài thơ về Biển.  

   Nhà thơ Phú Sĩ trong những năm qua, đã cùng nhà thơ Kim Thành, nguyên cựu Giáo sư  trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, trường Trung hoc Võ Tánh, Nha Trang đã xuất bản hai Thi Tập "BẾN ĐỢI 1"  và  "Bến ĐỢI 2" đã được bạn đọc yêu thơ khắp nơi ngưỡng mộ, đón nhận.
Dưới đề mục  "Những  Vần Thơ BIỂN của Tôn Thất Phú Sĩ " , nhà thơ đã khéo ghi xuất xứ của bài thơ trích từ hai Thi phẩm đã xuất bản ; bao gồm 38 bài thơ của nữ sĩ Kim Thành, 39 bài của nhà thơ Phú Sĩ trong "BẾN ĐỢI 1" ; 40 bài của Kim Thành, 40 bài của Phú Sĩ trong "BẾN ĐỢI 2" .

   Trong phạm  vi những Vần Thơ Biển, có rất nhiều tựa đề mà chỉ mới đọc lên, đã hình dung hình ảnh của mộng hải hồ, hay từ biệt để theo tàu ra đi, đến bến bờ xa xôi , chân trời rộng mở, biển cả bao la, hiện lên trong trí tưởng của người đọc khi gặp các bài thơ  "Mẹ Ơi Biển Gọi",  "Biệt Ly", "Xin Đừng Hỏi Biển", "Áo Trắng Biển Xanh", "Bồng Bềnh Biển Khơi"  …
Miền Trung, sông Hàn đổ vào vịnh Đà Nẵng, hướng ra cửa biển, khung cảnh trời biển hùng vĩ này đã để lại cho nhà thơ Hải quân biết bao mộng tưởng tương lai, viễn du đến chân trời xa lạ. Hồi tưởng thuở ấu thơ, nhà thơ mường tượng về :
 
Mẹ sinh con bên bờ cong chữ S
Bài hát ru theo chiếc võng đù đưa
Lời mẹ êm thiết tha tình biển gọi
Võng tròng trành theo nhịp tàu đong đưa
(Mẹ Ơi Biển Gọi)
 
Và ngày bước vào đời với mộng viễn-du : ý thơ dạt dào lòng yêu biển, mơ về trời cao biển rộng như gởi gấm vào đó tuổi xuân hay tâm hồn mình, tiếng sóng vổ về , ý tưởng của nhà hàng hải với biển như bất phân ly qua những câu sau :
 
Vào biển lòng ta phơi phới
Tuổi xuân dâng trọn cho đời
Vỗ về sóng nuôi ta lớn
Miệt mài theo sóng biển ơi !
(Áo Trắng Biển Xanh)
 
   Tư tưởng này không khác tư duy của  thi hào Pháp Charles Baudelaire (1821 – 1867) , trong bài thơ có tựa đề    "Con người và biển"   ("L’homme et la mer"). Nguyên bản và phỏng dịch. Mô tả trong bài thơ là người yêu biển mang suy tư về cuộc đời, lấy biển để tự soi lòng mình.
 
« Homme libre, toujours tu chériras la mer!
La mer est ton miroir, tu contemples ton âme
Dans le déroulement infini de sa lame
Et ton esprit n'est pas un gouffre moins amer. »
Hởi người tự do, phải chăng luôn yêu biển !
Gương soi là biển, ngươi tự lặng ngắm linh hồn
Bất tận làn sóng cuốn
Tinh thần sầu thảm không hẳn bên bờ vực sâu.
 
   Thơ Phú Sĩ cũng đậm nét trữ tình, có mối tình phớt qua đầy tính lãng mạn, cho đến khi tưởng như ước mơ đã thành hiện thực thì con thuyền nhỏ đã đưa đi xa ; rồi giờ phút chia tay đến đã rơi  lệ  :
 
Rồi bỗng một ngày em hiểu anh
Tình ta vằng vặt ánh trăng rằm
Là ngày anh xuống con thuyền nhỏ
Nợ tang bồng theo cuộc chiến chinh
……………………………………………
Bờ chờ bến đợi đưa tay vẫy
Giọt lệ không rơi nước mắt lại nhoà
(Biệt Ly)
 
   Những mối tình trong thơ, mang tính trong trắng và rất nên thơ của đôi bạn, nhưng tâm hồn của người thanh niên nặng tình biển cả, vì biển như có sức cuốn hút vào nếp sống ngắm nhìn chân trời bao la ;  nên :
 
Tháng năm dài theo con tàu lênh đênh
Bước phiêu du nhiều khi nghe hiu quạnh
Neo tuổi vàng giữa sóng nước mông mênh
………………………………………………..
Bao nhiêu lần tàu quay về bến cũ
Em lặng thầm tư lự nổi chờ mong
(Xin Đừng Trách)
 
   Trong tâm hồn mang nặng lòng yêu biển, nếp sống có trời cao biển rộng, thì  bên " tình biển" bên  "tình em " , dẫu cho "Em và biển tình yêu anh rộng mở" , nhưng sau những ngày con tàu trở về yên nghỉ, rồi theo tiếng biển gọi, lại ra đi :
 
Chiều xuống thấp con tàu nằm yên nghỉ
Ngày tháng phiêu bồng hải âu cánh mỏi
Gió trùng khơi thì thầm như muốn gọi
Ngày mai này anh vào biển xa em
(Tình Biển và Tình Em)
 
  Do đó, biết là "Lòng ta hạt muối mặn môi người tình", liệu nhà hàng hải ấp-ủ mộng viễn-du trong cuộc, có dừng bước bên mối tình thơ mộng ấy, để cùng nhau hướng về một chân trời  chứa chan niềm hy vọng, hay "Thuyền  theo trăng nước lững lờ" ? Xin hãy cùng nghe lời tình tự :
 
Bờ cát trắng, chân trời xa
Dấu chân kỷ niệm thiết tha ngọn triều
Thuyền ra cửa biển tiêu điều
Người đành ở lại trăm chiều quạnh hiu
(Xin Đừng Hỏi Biển)
 
  Sống giữa biển trời bao la, ngày gió êm biển lặng hay cuồng phong bảo táp, đêm khuya trời biển tối đen một màu, dưói những vì sao cao thẳm, khí lạnh về khuya, cổ áo kéo cao, người thuỷ thủ không khỏi cảm thấy bé nhỏ trước thiên nhiên.  Sóng vổ mạnh vào mạn tàu hoà cùng tiếng máy chạy, nghe gió rít, cảm giác đơn độc trong đêm hải hành, lẻ loi như bên mình chỉ có ánh sao xa xăm  dẫn đường.  Nhà Thơ Hải quân trong đêm dài giữa đại dương hay biển cả, sống với biển nhưng hình bóng người yêu luôn trong tâm tưởng ; cảm nhận sâu xa và rung-cảm của tác giả :
 
Sao Bắc Đẩu dẫn đường
Bên em và bên biển
Bên nào cũng vấn vương
Ngọn Hải Đăng rực sáng
Soi tình em khát khao
Trời mây nước xôn xao
……………………………………………..
Anh yêu em như anh yêu biển
Biển trong hồn và em ở trong tim
(Con Tàu Và Biển)
 
   Tính lãng mạn về tình yêu của nhà thơ Hải quân, biểu thị rõ nét trong những vần THƠ BIỂN, tình yêu đến như ánh sáng chói loà, như làn hương lan toã, hay hình bóng diễm kiều cao xa mà nhà hàng hải vốn mơ về mộng viễn-du cũng có giây phút xiêu lòng, cũng mong "dòng lá thắm" (Kiều. "Dòng lá thắm" sự tích Đời Đường lá đỏ đề thơ từ dòng ngự câu trôi ra…) ; nhưng thương thay tằm chưa nhả hết tơ  đã chết :
 
Tơ tằm chưa dệt thành mơ
Con tằm đã chết mộng hờ thiên thu
(Bồng Bềnh Biển Khơi)
 
  Trong văn hoá dân gian, con tằm rút ruột nhả tơ, thành con ngài có cánh rồi hoá bướm. Chuyện kể về tằm hoá bướm đã làm đầu đề thêu dệt cho bao nhiêu chuyện tình tưởng tượng, chết hóa thành bướm, phong phú nên thơ ; và ngay cả trên thi-đàn cũng có nhiều bài thơ bướm vàng tình tứ.  Ở đây, trong bài " Bòng Bềnh Biển Khơi" , nhà hàng hải khi cuốn buồm lại, dừng chân ngưng nghỉ, lên bờ (trong Hải quân gọi "lên bờ" là về bến),  không khỏi chạnh lòng nhớ kỷ niệm xưa, ngày tháng qua như hoa khép kín, bỗng bừng sáng trong trí tưởng  "em tôi tóc ngắn má hồng …" và cũng đã "nắn nót một bài thơ" .  Qua hai câu thơ vừa dẫn, "tằm đã chết" nhưng nhà thơ đã thi-vị-hoá bướm vàng trên đồi thông, buớm lượn miên mang, nhả phấn hồng khắp đất trời, như tiếc thương cho giấc mơ xưa, nay đã lở làn chỉ còn là mộng tưởng, không về được bên hình bóng cũ :
 

Trên đồi thông gió vi vu
Có con bướm lượn nhởn nhơ cánh vàng
Bướm sao cứ mãi lang thang
Phấn hồng bướm thả mênh mang đất trời
………………………………………………
Thuyền tôi từ độ ra khơi        
Biển xanh sông rộng chơi vơi giữa dòng
Em tôi má vẫn còn hồng
Đời tôi vẫn cứ bồng bênh biển khơi
(Bồng Bềnh Biển Khơi)
 
Nhà thơ Hải quân qua hai Thi Phẩm "BẾN ĐỢI 1" và  "BẾN ĐỢI 2"  đã không dấu giếm nói lên tâm sự của mình, nổi lòng của người trước thế cuộc, đã nhắc tới dòng Hương giang ("Huế Trong Tôi"), Sông Cửu ("Mỹ Tho Quê Hương Em") , và như "gió cuốn mây trôi " tới tận trời Tây, ngắm dòng Sông Seine ("Buổi Sáng Đi Dạo Bờ Sông Seine"),  nhưng hồi-tưởng quê nhà : "…Sáng nay thương quá dòng sông nhỏ,  Quay quắt trong tôi nổi nhớ nhà" .
  Và ngày giã từ biển cả, nhà thơ Hải quân giã từ cuộc chiến trong uất nghẹn, không khỏi xúc động diến tả qua vần thơ u-uẩn :
 
Thôi đã hết nay xin từ giã biển
Vẫy tay chào nước mắt ướt quanh mi
Ta muốn gởi cho ai lời trăn trối
Biết biển buồn khi tiễn một người đi
(Ngơ Ngác Giữa Âm Xa)
 
Dù phải gĩa từ biển cả, nhưng nhà hàng hải không quên con tàu với mình đã trải qua bao hải trình, tình cảm gắn bó với con tàu như bóng với hình ; con tàu nằm đó, hải âu không còn bay theo tàu đến cuối trời ; chính loài chim biển từng là bạn đồng hành với con tàu trong bao nhiêu năm tháng giữa trời biển ; nay phải xa lià cảnh cũ như cùng cảm thông nổi buồn :

 
Ton-That-Phu-Si.jpg 

1964

 

Con tàu đó xác thân vùi trong cát
Nửa thân tàn nằm yên ngủ thâm sâu
Nửa thân kia vương víu vọng trời cao
Con chim biển khóc tình sao Bắc Đẩu
( Ngơ Ngác Giũa Âm Xa )
 

    Dù phải giã từ biển cả, nhưng nhà hàng hải không quên con tàu với mình đã trải qua bao hải trình, tình cảm gắn bó với con tàu như bóng với hình ; con tàu nằm đó, hải âu không còn bay theo tàu đến cuối trời ; chính loài chim biển từng là bạn đồng hành với con tàu với người thuỷ thủ dù trước sóng to gió lớn, trong bao nhiêu năm tháng giữa trời biển ; nay phải xa lìa cảnh cũ như cùng cảm thông nổi buồn :

 

Con tàu đó xác thân vùi trong cát
Nửa thân tàn nằm yên ngủ thâm sâu
Nửa thân kia vương víu vọng trời cao
Con chim biển khóc tình sao Bắc Đẩu
( Ngơ Ngác Giữa Âm Xa )

 

   Nhà thơ Hữu Phương, cố Phó DeDốc Nguyễn Hữu Chí, tốt  nghiệp khoá 3 Trường Sĩ quan Hải quân (SQ HQ) Nha Trang. Trong Hải quân, đặt tên khoá theo 12 cung trên Hoàng Đạo, khoá 3 là Đệ Nhất Song Nam.
  Sau khoá 3, kế tiếp 12 khoá đào tạo Sĩ quan Hải Quân cũng tại Trường SQ HQ Nha Trang , tức khoá 15 ; tên của khoá này là Đệ Nhị Song Nam.  Nhà thơ Hải quân Tôn Thất Phú Sĩ  tốt nghiệp khoá 15. Dòng thơ từ vị Sĩ quan đàn anh là thi sĩ Hữu Phương, tốt nghiệp cùng trường, như  đã theo truyền thống Hải quân truyền lại cho Sĩ quan đàn em, nhà thơ Phú Sĩ .
  Theo sách  "Hải Sử - Lược Sử Hải Quân Viêt Nam Cộng Hoà" , Tác giả  Vũ Hữu San, nhà thơ Hữu Phương đã xuất bản ở Sài Gòn trước 1975 , 3 Tập Thơ :  "Luống Biển", "Tâm Sự Người Đi Biển", "Neo Tuổi Vàng".  Và tại Hải Ngoại, sáng tác nhiều thời kỳ, các bản thảo Tập Thơ có tựa đề "Kiếp Lưu Đày" gồm nhiều tập. 
   Một số di-cảo, những trang thơ, đánh máy trên giấy mỏng đã cũ, mực nhoè, sau gần 50 năm ; đã được gia đình cố Phó Đề Đốc lưu trử và đã đưa lên Internet để vừa phổ biến dễ dàng và vừa cất giữ cẩn thận khỏi bị hư hỏng. Qua đó, đã tìm thấy nhiều bài thơ, có ghi ngày vắng tắc, thí dụ  "29-09-65.." hay  "ĐN-03-08-65..." ; được hiểu là sáng tác tại Đà Nẵng ngày 03 tháng 8 năm 1965 ; thời gian ấy nhà thơ là một Sĩ quan cấp Tá đang chỉ huy một đại đơn vị Hải Quan tại Đà Nẵng. 
  

    Hai nhà thơ Hải quân, tốt nghiệp cách nhau 12 khoá, nhưng cùng mang tên khoá Song Nam :  Đệ Nhất Song Nam khoá đàn anh, Đệ Nhị Song Nam khoá đàn em ; như thể có mối liên hệ, truyền cảm vô hình, kỳ diệu.  Cả hai nhà thơ đều có tâm hồn yêu biển, nặng tình trời biển bao la, tha phương nhớ tưởng quê hương, đã sáng tác rất nhiều bài thơ  tình cảm,  những mối tình tha thiết, đắm đuối trong mộng tưởng mà cuối cùng chỉ lưu lại trong tâm tư kỷ niệm lưu luyến, mơ tưởng và hoài niệm.
  

    Bài thơ  "Tình Biển" của Hữu Phương, nhà hàng hải rời xa quê cũ, nơi đó có  người thương, bỗng có ngày trở về giây phút hồi tưởng ngày ra đi  "lúc giã từ, tiếng chân lui mãi" và gặp lại người thương lòng hân hoan mừng rở :

 

Thế về đây công viên xưa còn đó
Hoa đang mùa rực rỡ dưới trời mai
Em vui mừng run rẩy cả bờ vai
Tóc bỏ xoả lưng chừng nghe âu yếm
Rừng lan trắng một mình em kiều diễm
Chính vì em : Chúa tể các loài hoa
(Tình Biển)

  

   Nhưng cuộc đời theo mộng hải hồ, nhà hàng hải không bỏ biển, trở về với trời cao,  chân trời bao la, biết là đi xa nhung nhớ, mơ tưởng ; nhưng nghe tiếng gọi của biển, đã tiếp tục dương cao ngọn buồm lộng gió, thuyền tách bến ra khơi, mơ như có người thương theo suốt hải trình :

Mỗi lần xa, tôi nhớ nước cùng mây
Mỗi lần xa, tôi nhớ dáng em gầy
Em là sóng … nụ cười lên hoa trắng
(Tình Biển)

 

   Hai nhà thơ, hai vần thơ, cách nhau non nửa thế kỷ, nhưng biết bao tâm tư, rung cảm, mơ ước như cùng một ý thơ, cùng nguồn thi cảm vô bờ trước biển cả, đại dương : thơ Hữu Phương, về chốn cũ, gặp lại người thương, rồi cũng ra đi ;  thơ Phú Sĩ, chàng thanh niên mơ chân trời rộng mở, cũng đã để lại người thương bến cũ,  vạch lại hải trình lướt sóng đại dương ; xin hãy lắng nghe nhà thơ Phú Sĩ :

 

Biển ơi cho ta màu áo
Đẹp như lòng mới vào đời
Đêm về lang thang bải cát
Mà hồn bay bổng ngoài khơi
…………………………………………………………..

Trùng dương thôi xin gởi lại
Người tình yêu dấu ta thương
Con tàu ngày đêm xuôi ngược
Mính ta côi cút dặm trường
(Áo trắng biển xanh)
 

 

Xin viết tiếp để kết thúc …..
Em nghi anh Quang  den day viet ket thuc la  hoan hao roi .
 
1)      Vài nét của Thơ Hữu Phương tương quan Thơ Phú Sĩ,
2)       Dòng Thơ từ ĐỆ NHẤT  SONG NAM Khoá 3 ; đến ĐỆ NHỊ SONG NAM Khoá 15

HinhHQ chup lai     

Ảnh chụp tại Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Duyên Phòng CTF-213 tại Vịnh Cam Ranh, thời kỳ Hải Quân Hoa Kỳ và Hải Quân Việt Nam cùng phối hợp hoạt-động ; trước khi bàn giao quyền chỉ huy cho Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà. 

Trong ảnh, nhiều Sĩ Quan và nhân viên Hải Quân Việt, Mỹ. Người đứng trên hàng đầu là Hải Quân Đại Tá NGUYỄN HỮU CHÍ , người đứng hàng thứ nhì, bên tay trái của Đại Tá Chí là Hải Quân Đại Tá CARL QUANSTROM, Hải Quân Hoa Kỳ, đương kim Tư Lệnh Lực Lượng Duyên Phòng (Commander Task Force).  Ảnh do cựu Hải Quân Đại Tá Nguyễn Bá Trang cung cấp 19 tháng 6 – 2011).

 

NGUYỄN VĂN QUANG
Cựu Hải Quân Trung Tá VNCH , Khoá 7

 

 

HQCX chup lai

  Ảnh chụp Tác giả bài viết NVQ ( người cao nhất hàng đầu ) trước toà nhà Ban Giám Đốc Hải Quân Công Xưởng Sài Gòn ngày 18 tháng 8-1973

397343.jpg

Phó đề đốc Nguyễn Hữu Chí*

 viết :

Niềm đau ly xứ lẫn mất mát không còn gì xót xa và bẽ bàng khi nhìn thấy lá quốc kỳ vàng ba sọc đỏ bị ép phải lìa bỏ vị trí của nó. Quốc dân ly tán. Quốc tịch xóa bôi. Mặc dù không vĩnh viễn nhưng sự việc đã xảy ra ngoài ý muốn của con người.

*

Theo sách HẢI SỬ Lược-Sử Hải-Quân VIỆT NAM CỘNG HOÀ , Tác Giả Vũ Hữu San, trang 164 và 165, đã dành chỗ trang-trọng để đề-cập đến các Thi Phẩm của Nhà thơ Hữu Phương, cựu Phó Đề-Đốc Nguyễn Hữu Chí : các "Tập Thơ  " Tâm Sự Người Đi-Biển  "  ,  " Luống-Biển  "  và   "  Neo Tuổi Vàng ".
 
Cũng trên trang 164, Tác Giả Vũ Hữu San có ghi chú về cựu Phó Đề-Đốc Nguyễn Hữu Chí , " Phụ-tá TL/HQ/Hành-Quân Biển.   Ông mất ngày 28-06-1988 tại Hoa kỳ, để lại hai tập bản-thảo thơ  '  Kiếp Lưu-Đày '   chưa phổ-biến  " .

397343.jpg

Theo gót Nhà Thơ Hữu Phương

( cựu Phó Đề-Đốc Nguyễn Hữu Chí  ) ,
Niên Đệ Tôn Thất Phú Sĩ  xin gởi những vần thơ về BIỂN  để tưỡng niệm NGƯỜI 

397343.jpg

     sachCD148ms1.jpg 

397343.jpg 

BIỆT LY
*
Thuở ấy nhà anh cách nhà em
Con sông uốn khúc chảy êm đềm
Hai bờ xuôi mái con đò nhỏ
Chở ánh trăng về bên phía em
*
Vừa mới gặp em anh đã thương
Nhưng em hờ hững chẳng tơ vương
Theo em mòn cả đôi giày mới
Và cả tim hồng mới lớn lên
*
Từ đó anh như kẻ không hồn
Đi tìm chút nắng cuối hoàng hôn
Vết thương đầu đời ai có biết
Bao mùa lá rụng vẫn còn đau
*
Rồi bỗng một ngày em hiểu anh
Tình ta vằng vặc ánh trăng rằm
Là ngày anh xuống con thuyền nhỏ
Nợ tang bồng theo cuộc chiến chinh
*
Giây phút chia tay thật não lòng
Dòng sông nước chảy cũng nao nao
Bờ chờ bến đợi đưa tay vẫy
Giọt lệ không rơi mắt lại nhoà
*
Tôn Thất Phú Sĩ
Paris 2004 

397343.jpg 

XIN ĐỪNG HỎI BIỂN

 *
Người ơi! sóng nước trùng khơi
Lòng ta hạt muối mặn môi người tình
Hỏi làm chi, cứ lặng thinh
Để nghe biển hát một bài tình ca

*
Bờ cát trắng, chân trời xa
Dấu chân kỷ niệm thiết tha ngọn triều
Thuyền ra cửa biển tiêu điều
Người đành ở lại trăm chiều quạnh hiu

*
Sóng cao bão nổi tơi bời

 Thương nhau biển vẫn muôn đời màu xanh
Trách làm chi biển mênh mông
Biết đâu là bến mà trông mà chờ

*
Thuyền theo trăng nước lững lờ
Tình em gởi lại bên bờ Đại Dương

tôn thất phú sĩ
Paris 2005

397343.jpg 

BỀNH BỒNG BIỂN KHƠI

*
Ngày xưa xưa thật là xưa
Em tôi tóc ngắn giày cao má hồng
Trời hành tôi đứng ngẩn trông
Em tôi tóc ngắn má hồng ngó lơ

*
Tôi về nắn nót bài thơ
Con tằm trong kén nằm chờ nhả tơ
Tơ tằm chưa dệt thành mơ
Con tằm đã chết mộng hờ thiên thu

*
Trên đồi thông gió vi vu
Có con bướm lượn nhởn nhơ cánh vàng
Bướm sao cứ mãi lang thang
Phấn hồng bướm thả mênh mang đất trời

*
Thuyền tôi từ độ ra khơi
Biển xanh sông rộng chơi vơi giữa dòng
Em tôi má vẫn còn hồng
Đời tôi vẫn cứ bềnh bồng biển khơi

*
Tôn Thất Phú Sĩ
Paris - 29 Avril 2005

397343.jpg
NGƠ NGÁC GIỮA ÂM XA
*

Thôi đã hết nay xin từ giã biển
Vẫy tay chào nước mắt ướt quanh mi
Ta muốn gởi cho ai lời trăn trối
Biết biển buồn khi tiễn một người đi

*
Trong yên lặng nhìn trùng khơi thức giấc
Màn đêm đen lùi khuất sau chân trời
Biển hiểu không khi vừng Đông rực sáng
Lòng nhớ nhung ta nuối tiêc ... Biển ơi !

*
Sóng vẫn vỗ vào mạn thuyền già cỗi
Điệu ru mềm hôn mái tóc rong rêu
Ta và Thuyền lặng nhìn nhau lần cuối
Để ngàn đời ngơ ngác giữa âm xa

*
Cõi trần gian mong manh là bọt sóng
Tan vỡ dần theo gió khóc phân ly
Ta đã đến khi biển thầm thì gọi
Giờ ra đi biển có nhớ nhung gì

*
Con tàu đó xác thân vùi trong cát
Nửa thân tàn nằm yên ngủ thâm sâu
Nửa thân kia vương víu vọng trời cao
Con chim biển khóc tình sao Bắc Đẩu

*
Ta cùng tàu quảng đời dài gắn bó
Hải âu bay quấn quít suốt một thời
Giờ buông tay nhìn biển xanh chới với
Ta xin làm con sóng vỗ về em

*
Tôn Thất Phú Sĩ

Paris Fevrier 2006

397343.jpg

ÁO TRẮNG BIỂN XANH

*
Biển ơi ! cho ta màu áo
Đẹp như lòng mới vào đời
Đêm về lang thang bãi cát
Mà hồn bay bổng ngoài khơi

*
Biển ơi ! sao ta cứ gọi
Tàu đi biền biệt không về
Đời ta chỉ là bọt sóng
Tan rồi sau kiếp đam mê

*
Biển ơi ! cho ta giòng máu
Giang hồ từ thuở mẹ sinh
Ta đi biển xanh màu nước
Ta về biển trắng bạc tình

*
Vào biển lòng ta phơi phới
Tuổi xuân dâng trọn cho đời
Vỗ về sóng nuôi ta lớn
Miệt mài theo sóng biển ơi !

*
Trùng dương thôi xin gửi lại
Người tình yêu dấu ta thương
Con tàu ngày đêm xuôi ngược
Mình ta côi cút dặm trường

*
Một chòm sao rơi trên tóc
Một mảnh trăng soi giữa dòng
Chừ ta là con ốc nhỏ
Mượn hồn sóng vỗ đại dương

*
Tôn Thất Phú Sĩ
Paris 2005

397343.jpg

CHUYẾN TÀU CUỐI

*
Xa tàu rồi buồn vương vương tóc trắng
Nhớ mênh mang con sóng vỗ mạn thuyền
Tấm Hải đồ chợt sáng trưng trong nắng
Hải âu bay tưởng suối tóc em mềm

*
Tàu thả neo ta nằm im mơ mộng
Nghe thì thầm như tiếng mẹ ru con
Ta với tàu cả một đời giao động
Giờ tàu đi , ta côi cút mõi mòn

*
Tàu nhấp nhô lòng càng thêm đau đớn
Hồn chơi vơi theo tiếng máy rì rầm
Biển dỗi hờn theo em vào tuổi lớn
Đợt sóng ngầm ray rứt mối tình câm

*
Cuối Hải trình mơ thấy mình hoá thạch
Như Tượng nàng trông đợi bóng tình quân
Tàu đi xa nhẫn tâm không quay lại
Nhớ biển nhớ thuyền nước mắt rưng rưng

*
Con dã tràng xe từng viên cát nhỏ
Anh mơ màng đếm từng ngày ... ngày qua
Trong nuối tiếc dường như mình trẻ lại
Theo con tàu phiêu bạt khắp miền xa

*
tôn thất phú sĩ
Paris 2005

397343.jpg

 

 

VT-NuTH-NhaTrang_CoKimThanh-TPBENDOI-2A.

397343.jpg

*

 

MẸ ƠI BIỂN GỌI

*

Con ốc nhỏ chôn mình trong cát trắng
Mà lòng như chứa cả một đại dương
Nghe vi vu từ ngàn xưa vất vưởng
Rồi thì thầm từ hồn ốc mênh mông

*

Mẹ sinh con bên bờ cong chữ S
Bài hát ru theo chiếc võng đù đưa
Lời mẹ êm thiết tha tình biển gọi
Võng tròng trành theo nhịp tàu đong đưa

*

Nghe biển gọi, con mơ làm thủy thủ
Ngày xuống tàu hồn bỗng thấy lao xao
Ôm mẹ yêu, vòng tay đầy mộng ảo
Tiễn con đi quanh mẹ gió rì rào

***
Chiều xuống thấp mây rơi trên đỉnh núi
Cánh chim bay lãng đãng bóng hoàng hôn
Con dã tràng se từng viên cát nhỏ
Giương cái càng che khuất nửa vầng trăng

*

Ánh trăng vàng rơi tràn trên biển vắng
Ngọt như dòng sữa mẹ đã nuôi con
Mẹ ơi mẹ giữa trùng dương dậy sóng
Lòng mẹ bao la hơn biển Thái Bình dạt dào

*

tôn thất phú sĩ

01 Mars 05
*Lời bài hát Lòng mẹ của Y-Vân

397343.jpg

XIN ĐỪNG TRÁCH

*

Vừa biết yêu anh lỡ lầm yêu biển
Tháng năm dài theo con tàu lênh đênh
Bước phiêu du nhiều khi nghe hiu quạnh
Neo tuổi vàng giữa sóng nước mông mênh

*

Ngày xưa đó khi chúng mình mới lớn
Em yêu anh sao chẳng nói năng gì
Anh cứ ngỡ tình yêu là mộng mị
Là si mê là mơ ước viễn vông

*

Em giấu kín nên anh nào có hiểu
Lời tỏ tình câm nín nghẹn bờ môi
Đôi lúc thấy mắt em buồn vời vợi
Anh tưởng chừng hoa biển lững lờ trôi

*

Điều đơn giản mà sao em e ngại
Để nỗi lòng ray rứt cõi riêng tư
Bao nhiêu lần tàu quay về bến cũ
Em lặng thầm tư lự nỗi chờ mong

*

Bởi câm nín nên đời thành dang dở
Tàu trở về tàu lại bỏ ra đi
Sóng xô bờ rộn ràng miền đất lạ
Anh xa rồi cay đắng hoá thành thơ

*

tôn thất phú sĩ

 397343.jpg 

Pour être informé des derniers articles, inscrivez vous :
Commenter cet article